5 nhiệm vụ lớn xây chắc “chân đế”

Cụ thể, năm 2018, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao, trong đó có 04 điều quy định về chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các môn thể thao dân tộc.

Sau đó 1 năm, vào năm 2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển Kinh tế – Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Chính phủ ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 từ 2021 –2025, trong đó Bộ VHTTDL thực hiện Dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Đến năm 2022, công tác cụ thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực thể thao dân tộc tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định tại các buổi làm việc với Tổng cục TDTT. Theo đó, các môn Võ cổ truyền, Vovinam, Đẩy gậy, Kéo co, Vật dân tộc, Lân sư rồng được đưa vào Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

“Đây là việc cụ thể hóa chính sách của Đảng và nhà nước trong lĩnh vực TDTT có tính đổi mới, sáng tạo, đột phá: “Ưu tiên các môn thể thao truyền thống làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao”. Thực tế cho thấy, Đại hội Thể thao toàn quốc tổ chức thành công, trong đó các môn thể thao dân tộc có trong Đại hội là tiền đề, lợi thế, tạo thêm cú huých quan trọng để thúc đẩy và tạo động lực tốt cho nhiều địa phương còn khó khăn về nguồn lực có thể gây dựng, phát triển các môn thể thao dân tộc đang là thế mạnh cho thể thao thành tích cao” – ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT) nhấn mạnh.

Cũng trong năm 2022, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Nam Á chủ trì chương trình Quảng bá và bảo tồn các môn thể thao truyền thống của các nước thành viên Khối ASEAN, trong đó có Việt Nam với đặc thù 1 số môn thể thao nổi bật như Võ Cổ truyền, ném còn, đẩy gậy, kéo co… và các trò chơi dân gian được lưu truyền và tổ chức trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam. Đây cũng là tiền đề, cơ hội các môn thể thao dân tộc, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế và thúc đẩy phát triển thành tích cao vươn tầm quốc tế.

Các môn thể thao truyền thống đã gắn bó với đời sống, lao động của đồng bào các dân tộc là nét văn hóa luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong nhiều giai đoạn phát triển. Đây cũng là điểm tựa quan trọng để thúc đẩy phong trào TDTT của mỗi địa phương.

Tại Hà Nội, địa phương có gần 110 nghìn người dân tộc thiểu số, phân bố chủ yếu ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất với các đồng bào dân tộc Mường, Dao chiếm số lượng lớn. Trong những năm qua, các cấp, các ngành TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

“Việc đưa các môn thể thao này vào hoạt động TDTT thường xuyên tại các xã, thị trấn được xem là giải pháp quan trọng để huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, việc tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi, trò diễn dân gian tại các lễ hội lớn tại nhiều địa phương, các ngày hội văn hóa, thể thao của các xã, thị trấn cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới cũng là điều kiện quan trọng để vừa thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển phong trào TDTT” – ông Nguyễn Đức Anh , Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định, việc tổ chức các môn thể thao dân tộc mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc nhằm thực hiện hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

5 nhiệm vụ lớn xây chắc “chân đế”

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng (TDTTQC) khẳng định rằng, việc bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết cần được ưu tiên trong giai đoạn tới.

Để cụ thể hóa chủ trương và các chính sách nêu trên, người đứng đầu Vụ Thể dục thể thao quần chúng đề xuất cần tập trung triển khai vào 5 nhiệm vụ và giải pháp trong tâm nhằm xây chắc “chân đế’, góp phần giúp Thể thao Dân tộc phát triển mạnh mẽ hơn.

Cụ thể, Vụ TDTTQC cần phối hợp chặt chẽ cùng Viện KHTDTT tham mưu Bộ VHTTDL ban hành và triển khai Đề án: “Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian và môn Võ cổ truyền” đến năm 2030; đồng thời phối hợp các bộ, ngành liên quan, Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố xây dựng và triển khai các đề án về bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống theo chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn của địa phương, đơn vị.

“Trong đó, Vụ TDTTQC đề xuất Viện KHTDTT là đơn vị chủ trì và đề xuất Bộ VHTTDL, TC TDTT chi kinh phí cho việc triển khai các dự án, nhiệm vụ hằng năm thuộc Đề án để tránh tình trạng đề án trên giấy” – ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết.

Tiếp theo, cần tham mưu Bộ VHTTDL ban hành Thông tư quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí và hướng dẫn cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực Bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, thể thao đặc thù.

Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ về nghiên cứu, bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian tại Dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021 – 2030.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị, vụ chuyên môn thuộc Ủy ban dân tộc, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan triển khai có hiệu quả các Chương trình phối hợp về phát triển TDTT cơ sở, thể thao vùng miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Cuối cùng, Vụ TDTTQC cần tiếp tục tham mưu Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT xây dựng, tổ chức hệ thống giải thi đấu, Hội thi thể thao các dân tộc khu vực, toàn quốc trong đó nâng số môn, nâng tổng số nội dung các môn thể thao tạo cơ hội cho các địa phương tham gia nhiều hơn; hướng dẫn các đơn vị, địa phương đầu tư quỹ đất, cơ sở vật chất, quan tâm bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian phù hợp với đặc thù, tình hình thực tiễn của địa phương” – ông Nguyễn Ngọc Anh tổng kết lại./.