Thành phố Hà Nội đã luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển, thực hiện có hiệu quả các cam kết của thành phố với UNESCO. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho đô thị, truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng và tái sinh đô thị…
Năm 2019, Hà Nội chính thức là thành phố đầu tiên của Việt Nam và là 1 trong 3 Thủ đô đầu tiên của các nước Đông Nam Á được vinh dự gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (ở lĩnh vực Thiết kế). Kể từ đó đến nay, Hà Nội đã luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển, thực hiện có hiệu quả các cam kết của thành phố với UNESCO.
Ban hành nhiều cơ chế, chính sách
Việc trở thành Thành phố sáng tạo là cơ hội thuận lợi để Hà Nội định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thực hiện đúng nhiệm vụ được đề ra. Đồng thời là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao tầm vóc và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hà Nội. Để hiện thực hóa điều này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng thành phố sáng tạo. Năm 2020, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm cấp cao “Tham vấn sáng kiến Hà Nội – Thành phố sáng tạo” nhằm trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp các ý tưởng và sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược và kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là thành phố sáng tạo và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế. UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 102- KH/UBND về “Thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025”; Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO…Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước có Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, Thành phố đã ưu tiên triển khai hiệu quả các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đầu tư nhiều dự án, công trình văn hóa trọng điểm, công trình văn hóa mới tiêu biểu có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Hà Nội cũng có nhiều sáng kiến trong việc phát huy hiệu quả các không gian đi bộ công cộng, góp phần tạo nhiều không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn thành phố. Với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, ngày 08/12/2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ- HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, các nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội. Đồng thời, thành phố Hà Nội duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng thiết thực, hiệu quả, tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, thủ đô các nước, các thành phố là thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO…và là thành viên tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tinh thần sáng tạo lan tỏa mọi lĩnh vực
Hà Nội đã trở thành một trung tâm văn hóa đa dạng với nhiều sự kiện nghệ thuật nổi bật, sự nở rộ của các không gian công cộng và các nghệ thuật đường phố. Tinh thần sáng tạo đã truyền cảm hứng cho các hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là nỗ lực đổi mới các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Thủ đô, đem lại sức sống mới cho các di tích trên địa bàn. Tiêu biểu như “Đêm thiêng liêng” ở Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour đêm với công nghệ 3D mapping với chủ đề “Tinh hoa đạo học”, phim 3D mapping “Sử đá lưu danh” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám; tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long…Đây là những mô hình tiêu biểu cho việc kết hợp sự sáng tạo hiện đại với việc gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu.
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt – công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ tọa lạc tại thôn 5, làng cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội
Ảnh: Báo Người Lao Động
Cùng với đó, Hà Nội đã dần trở thành điểm đến hàng đầu của các sự kiện nghệ thuật quốc tế: lễ hội âm nhạc quốc tế Monsoon Gió mùa, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội; các sự kiện của BlackPink, Kenny G hay Bond… thực sự đã giúp Hà Nội trở thành một trong những điểm đến cho nghệ thuật quốc tế ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Để thực hiện mục tiêu đưa hoạt động sáng tạo vào đời sống, lan tỏa tinh thần sáng tạo trong mọi tầng lớp Nhân dân, huy động cộng đồng tham gia hoạt động sáng tạo, Hà Nội phối hợp với các bên liên quan triển khai nhiều cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp Nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Ký họa Văn Miếu – Quốc Tử Giám”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”…
Tinh thần sáng tạo còn được lan tỏa khắp mọi góc phố, con đường của Hà Nội. Người dân ở nhiều tổ dân phố, khu dân cư, thôn/làng đã tích cực tạo nên phong trào làm đẹp các khu dân cư, những con đường, ngõ phố một cách tự nguyện. Trên địa bàn thành phố đã có hàng trăm đoạn đường/tuyến phố nở hoa, Nhà văn hóa “xanh sạch, đẹp- bốn mùa nở hoa”, hàng nghìn m2 tranh tường bích họa… Tinh thần sáng tạo đã giúp cho Hà Nội có thêm nhiều không gian sống xanh, sạch, đẹp, nhiều miền quê đáng sống.
Hình thành các trung tâm sáng tạo
Thực hiện các cam kết với UNESCO, Hà Nội đã rất quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng sáng tạo. Thành phố đã thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho đô thị, truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng và tái sinh đô thị. Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa – nghệ thuật. Các trung tâm nghệ thuật, không gian sáng tạo và khu công nghệ được phát triển, tạo điều kiện lý tưởng cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế và nhà sáng lập khởi nghiệp. Tiêu biểu: Nhà hát Hồ Gươm, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom, Toong Co-working Space, Tổ Chim Xanh, Ơ kìa Hà Nội, Hanoi Creative City, Không gian văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt…Cùng với đó là nhiều cuộc trưng bày, triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Triển lãm sắp đặt hội họa với chủ đề “Tiếng gọi” của họa sĩ Trần Thị Thu “đánh tan” không gian âm u của phân xưởng 3B1 (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023
Ảnh: Hanoimoi.com.vn
“Định vị” thương hiệu Thành phố sáng tạo
Trong số những hoạt động của thành phố nhằm thực hiện các cam kết với UNESCO, Lễ hội Thiết kế sáng tạo tổ chức hằng năm được xác định là một điểm nhấn quan trọng để Hà Nội định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo. Bắt đầu bằng Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021, sự kiện sau đó phát triển thành Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2022 và được ấn định là sự kiện thường niên, góp phần chính yếu trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới thiết kế trẻ, kết nối đa dạng các nguồn lực đồng hành, thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo của thành phố. Qua mỗi năm, các chủ đề và quy mô của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội ngày càng mở rộng, trở thành ngày hội của những người yêu thích sự đổi mới khắp cả nước. Việc tổ chức Lễ hội là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm định vị, củng cố thương hiệu thành phố sáng tạo của Hà Nội trong bối cảnh thành phố đang nỗ lực thực hiện hiệu quả các “cam kết sáng tạo” khi gia nhập Mạng lưới của UNESCO.
Lễ hội Áo dài du lịch là một điểm nhấn đặc biệt trên hành trình sáng tạo của Hà Nội
Ảnh: Báo Nhân Dân
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 được tổ chức với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”. Lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, quy tụ hơn 500 đơn vị, hơn 1.000 nhà sáng tạo tài năng, đặc biệt là sáng tạo trẻ, Gen Z. Lễ hội Thiết kế sáng tạo đã được tổ chức dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội và được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa tiêu biểu như kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo….Điểm nhấn là các diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm – trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước. Bên cạnh đó, gần 50 hoạt động sáng tạo hưởng ứng từ các không gian sáng tạo đã mang lại không khí tưng bừng của Lễ hội Sáng tạo trên toàn Thành phố. Lễ hội thu hút 4,7 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội, hơn 30 vạn lượt khách trực tiếp tham gia.
Điểm nhấn của hoạt động biểu diễn tại Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2024 là lễ diễu hành mang tên “Diễu hành Phố Chợ”
Ảnh: BTC
Trở thành Thành phố sáng tạo là cơ hội để Hà Nội bắt kịp xu thế toàn cầu, đổi mới theo hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo phát triển bền vững, trong đó lấy nền tảng di sản, các tài năng trẻ và tư duy thiết kế làm điểm tựa. Hà Nội đã định vị được thương hiệu Thành phố sáng tạo và đang có những điểm tựa vững chắc để tiếp tục viết thêm những thành công mới trên chặng đường phía trước.
Bình Minh