Tiếng Chiêng Mường ngân vang giữa Thủ đô Bồi đắp văn hóa cồng chiêng của người Mường |
Là địa phương có nhiều dân tộc người Mường sinh sống, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, văn hóa dân tộc Mường có truyền thống lâu đời, phong phú với những giá trị bản sắc độc đáo về vật thể và phi vật thể, tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.
Dân tộc Mường với văn hóa phi vật thể cồng chiêng |
Với các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống rất phong phú, đa dạng và đã có từ lâu đời của dân tộc Mường, luôn gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển. Về văn hóa vật thể như: Nhà sàn, Trang phục, Ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt; Về văn hóa phi vật thể, như: Ngôn ngữ, Mo Mường, Cồng chiêng và các làn điệu hát, múa, các môn Thể thao, Trò chơi dân gian dân tộc Mường…
Văn hóa dân tộc Mường chứa đựng lối sống giàu chất nhân văn và đạo lý, phản ánh quá trình lao động, sáng tạo được kế tục phát huy, phát triển, là niềm tự hào của bao thế hệ người Mường. Trong quá trình vận động và phát triển, văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn đã được giao thoa, có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa rất phong phú, đa dạng của các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhất là văn hóa dân tộc Kinh.
Tuy nhiên, theo khảo sát của huyện Thạch Thất, một số giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường trên địa bàn Hà Nội đã bị biến đổi, một số đã và đang dần bị mai một do sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền, các dân tộc đã tác động mạnh và đa chiều từ nhiều luồng văn hóa, đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa.
Nhà sàn dân tộc Mường không còn giữ được kiến trúc cổ truyền thống, đã bị biến đổi theo kiến trúc hiện đại về công năng, hiệu quả sử dụng cho hợp với điều kiện sản xuất sinh hoạt hiện đại. Đồng bào dân tộc Mường có ngôn ngữ riêng, tiếng Mường không có chữ viết mà giao tiếp bằng cách thế hệ trước truyền cho thế hệ sau qua khẩu ngữ, người dân ít sử dụng tiếng dân tộc.
Trang phục truyền thống người Mường mang nét đặc trưng riêng biệt, người dân tộc Mường rất ít sử dụng trang phục truyền thống, chủ yếu sử dụng vào các ngày lễ Tết, các cuộc giao lưu, liên hoan các sự kiện lớn, chủ yếu ở độ tuổi trên 60.
Chiêng Mường là biểu tượng của dân tộc Mường, trong qua trình thay đổi điều kiện sinh hoạt, không gian, môi trường văn hoá diễn tấu chiêng Mường không còn được duy trì thường xuyên và chỉ được diễn ra vào các ngày lễ, các sự kiện lớn của xã, của huyện, việc bảo tồn và lưu truyền không thường xuyên. Hoạt động Mo Mường trên địa bàn đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền, vì chỉ có rất ít người biết Mo, nhưng hầu hết ở độ tuổi trên 65.
Với mục tiêu trong quá trình tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các dân tộc khác, cần bảo tồn và phát huy được các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đã xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất, giai đoạn 2016- 2020” góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển toàn diện và bền vững kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Sau 4 năm thực hiện bằng nhiều biện pháp hiệu quả, Đề án đã đem lại những kết quả khả quan. Tỷ lệ người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống của người Mường là 50% khi tham gia các hoạt động cộng đồng, như Lễ hội truyền thống, ngày Hội đại đoàn kết toàn dân và các sinh hoạt tập thể khác – đạt 62,5% so với mục tiêu của Đề án.
Tỷ lệ hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc Mường đạt 60% trong sinh hoạt hàng ngày – đạt 66,7% so với mục tiêu của Đề án. Tỷ lệ 100% các thôn có Đội chiêng Mường và được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, sử dụng thành thạo Chiêng vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng, tất cả các thôn của 03 xã có bộ Chiêng Mường đạt yêu cầu để phục vụ việc tập luyện, tham gia các chương trình giao lưu, Hội thi và các sinh hoạt cộng đồng của thôn – đạt 100% so với mục tiêu.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cho biết, việc khôi phục được các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mường là sự nỗ lực và trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để phát huy các giá trị này trong thời kỳ hội nhập, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp thiết thực, trong đó chú trọng phát huy trách nhiệm cộng đồng, đó chính là người Mường họ giữ gìn và phát huy nó. /.