PVR Hà Nội xin dừng hoạt động năm thứ hai liên tiếp
Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) mới ra quyết định dừng hoạt động kinh doanh năm 2025.
Theo ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty, lý do doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh là do không có kinh phí để duy trì hoạt động.
Đồng thời, Công ty cần sắp xếp lại nhân sự và tìm kiếm giải pháp, phương hướng hoạt động kinh doanh mới để vượt qua giai đoạn khó khăn đang gặp phải.
Ảnh chụp màn hình
Đây là lần thứ 2 đơn vị này công bố dừng hoạt động. Trước đó, giữa tháng 11/2023, PVR xin tạm ngừng hoạt động kinh doanh đến giữa tháng 11/2024. Lý do cũng là để sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.
Từ cuối năm 2010 đến năm 2012, PVR đã thực hiện các giao dịch liên quan đến Hanoi Time Tower với khách hàng thông qua 3 hợp đồng là: mua bán căn hộ, góp vốn và thỏa thuận đặt cọc.
Theo hợp đồng góp vốn, chậm nhất đến cuối năm 2013, phía chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho khách hàng. Theo hợp đồng mua bán thì chậm nhất đến cuối năm 2014, khách hàng sẽ được nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên, sau nhiều lần “thay máu” cơ cấu cổ đông PVR với sự tham gia của các doanh nghiệp như Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), Công ty CP MHD Hà Nội.
Vào hồi cuối tháng 10/2023, Công ty thông báo tài khoản ngân hàng bị phong tỏa vì phát sinh vụ kiện tranh chấp với Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Chính vì vậy, công ty không đủ kinh phí vận hành.
PVR Hà Nội được biết đến là doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án CT10 -11 Văn Phú (tên thương mại: Dự án Hanoi Time Tower).
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000 m2, gồm 39 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Ghi nhận tại công trường, dự án sau cả một thập kỷ vẫn đang dang ở tầng 9 và nằm bất động.
PVR Hà Nội tạm dừng kinh doanh vì “chôn vốn” vào dự án “đóng băng”
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, PVR Hà Nội ghi nhận tình hình kinh doanh tiếp tục “bết bát” khi không ghi nhận phát sinh có doanh thu trong kỳ. Doanh thu tài chính vỏn vẹn có hơn 48.100 đồng nhưng chi phí tài chính lại hơn 383 triệu đồng (trong đó toàn bộ đến từ chi phí lãi vay). Chi phí quản lý doanh nghiệp báo hơn 153 triệu đồng, gấp gần 23,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cuối cùng, Công ty báo lỗ hơn 536,7 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 7 lần số lỗ của quý 3/2023.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, PVR Hà Nội ghi nhận lỗ hơn 1,3 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế kể từ khi công ty niêm yết đến nay là hơn 88,3 tỷ đồng. Trong thời gian dừng hoạt động, họ vẫn phải trả các chi phí cố định như lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp nên càng ngày càng lỗ thêm.
Số liệu: Báo cáo tài chính các năm. Dân Việt tổng hợp
Ảnh chụp màn hình
Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của PVR có hơn 976 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục tiền chỉ có vỏn vẹn gần 104 triệu đồng. Chiếm khoảng 2/3 tổng tài sản của công ty là hàng tồn kho khi có tới hơn 692,7 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền công ty đầu tư vào dự án chung cư Hanoi Time Tower chậm tiến độ hơn 1 thập kỷ và đang tạm ngừng thi công.
Chiếm phần lớn là hàng tồn kho khi có tới hơn 692,7 tỷ đồng (100% đến từ dự án Hanoi Time Tower).
Bên kia bảng cân đối, Công ty có hơn 517 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó, 195 triệu đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và hơn 14 tỷ đồng từ vay nợ thuê tài chính dài hạn.
Dự án chung cư Hanoi Time Tower đang ngừng thi công vô thời hạn. Ảnh: T.N
Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch chiều ngày 20/12, giá cổ phiếu PVR hiện đang ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu, thị giá này đi ngang kể từ ngày 13/12 tới nay. Mã chứng khoán này đang trong diện cảnh báo và hạn chế giao dịch.
Ngoài ra, tại dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, PVR Hà Nội cho biết ngày 20/07/2019, Công ty nhận được văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng dự án này và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án, nên công ty đã dừng mọi hoạt động liên quan đến dự án.